Những màu sắc khác nhau của các loại thực phẩm đại diện cho những nhóm dưỡng chất mà chúng cung cấp (các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể). Trẻ đang phát triển cần hấp thu đa dạng các loại dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện. Bữa ăn cầu vồng chính là những bữa ăn có sự kết hợp của nhiều loại thức ăn với những màu sắc khác nhau, đặc biệt là từ rau củ và hoa quả.
Một món ăn "cầu vồng" cho bé.
Sau đây là một số ví dụ về công dụng của những nhóm màu khác nhau mà các mẹ nên biết:
- Màu đỏ và cam: Những rau củ quả có màu này rất giàu vitamin A và C, giúp đôi mắt luôn sáng khỏe, tốt cho máu và sức khỏe tim mạch và tăng cường hệ miễn dịch.
- Màu vàng: Ví dụ như chuối, đu đủ, xoài, chanh, dứa. Đây là nguồn cung cấp dồi dào khoáng chất potassium (kali) cho cơ thể, giúp xương luôn chắc khỏe, và giúp giảm nguy cơ bị chuột rút khi về già.
- Màu xanh lá cây: Ví dụ như cải lá xoăn, cải bó xôi, bơ, đậu xanh, bông cải xanh. Những loại rau, củ, quả này chứa rất nhiều sắt, hỗ trợ đắc lực trong việc phòng ngừa bệnh thiếu máu và đảm bảo hệ tế bào tóc, móng luôn khỏe mạnh.
- Màu xanh da trời và tím: Điển hình là các loại quả mọng. Những rau củ quả có màu sắc này chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi rất nhiều bệnh mãn tính.
Bữa ăn cầu vồng là sự kết hợp của nhiều loại thức ăn với màu sắc khác nhau.
Mỗi nhóm màu tương ứng với những loại dưỡng chất riêng biệt, do vậy, việc ăn đầy đủ thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, vì các bé thường thích ăn những đồ có màu sắc bắt mắt nên bữa ăn cầu vồng là một phương pháp vô cùng hữu hiệu.
Câu hỏi đặt ra ở đây là dù màu sắc thì rất bắt mắt và hấp dẫn nhưng làm sao để gợi lên hứng thú với bữa ăn cầu vồng ở trẻ, khi mà rau củ không phải là món khoái khẩu với đa số các bé? Các mẹ có thể làm như sau:
Rau củ lại thường không phải là món khoái khẩu của các bé.
Vừa ăn vừa chơi
Đầu tiên, hãy giải thích cho các bé hiểu tầm quan trọng của việc ăn phối hợp đa dạng các loại rau, củ, quả. Các mẹ có thể tự thiết kế một tấm bảng với nhiều ô màu khác nhau. Mỗi lần bé ăn được một số lượng nhất định loại thực phẩm có màu gì thì hãy để bé đánh dấu vào ô có màu đó.
Ví dụ, nếu hôm nay bé ăn được một chùm nho, mẹ hãy để bé gắn một nam châm vào ô màu xanh/tím. Theo thời gian, dần dần bé ăn được rất nhiều loại rau củ với những màu sắc khác nhau thì số nam châm gắn trên bảng cũng tăng lên cho đến khi nào đầy đủ các ô thì thôi. Khi bé hoàn thành nhiệm vụ ăn tất cả những nhóm thực phẩm có màu trên bảng, bé có thể vẽ một chiếc cầu vồng thật đẹp hoặc hát vang lên bài hát cầu vồng mẹ dạy bé.
Các mẹ có thể tự thiết kế một "thời gian biểu" theo dõi chế độ dinh dưỡng cầu vồng của con như thế này.
Hãy thưởng cho bé khi bé đạt mục tiêu thực hiện dinh dưỡng cầu vồngbằng việc cho bé chọn một hoạt động nào đó cho cả gia đình, ví dụ như đi vườn thú hoặc công viên nước chẳng hạn.
Mục đích cuối cùng chính là rèn cho bé quen với bữa ăn cầu vồng mỗi ngày, nhưng nếu bé nhà bạn kén ăn thì nên bắt đầu bằng những mục tiêu dễ thực hiện như đạt được bữa ăn cầu vồng trong vòng một tuần hay ăn một vài miếng cà chua là đủ để đánh dấu vào nhóm thực phẩm đỏ rồi.
Vài mẹo nhỏ giúp các bé thích những bữa ăn cầu vồng hơn:
- Để trẻ giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn vì chơi với các loại rau sẽ giúp bé có khẩu vị tốt hơn. Bé có thể giúp mẹ những việc đơn giản như nhặt rau.
Để trẻ giúp mẹ làm rau có thể giúp bé có khẩu vị tốt hơn.
- Để hoa quả trong tầm nhìn và tầm với của trẻ. Khi đói, các bé sẽ muốn ăn những loại hoa quả ấy hơn.
- Hạn chế các loại nước sốt đi kèm với rau củ, bởi chúng sẽ làm các bé ít muốn ăn hơn.
- Các mẹ hãy làm gương cho trẻ bằng việc ăn đầy đủ và đa dạng các loại rau, củ, quả.
Bố mẹ nên làm gương cho trẻ bằng việc ăn nhiều loại rau củ trong bữa cơm gia đình.
- Hãy cho bé bắt đầu bằng việc tập ăn một lượng nhỏ thức ăn để bé quen dần, bởi ép bé ăn nhiều ngay lập tức sẽ chỉ làm bé chán ghét những thứ ấy hơn mà thôi.