Phòng bệnh khi thời tiết giao mùa Đông - Xuân
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp
Các bệnh đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông Xuân là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang… Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm…
Phòng bệnh cho trẻ là một điều hết sức quan trọng; cần mặc đủ ấm khi đi đường, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, tránh các nơi có khí than, khói bụi, khói thuốc lá,…
Bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng(TCM) là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan thành dịch rất nhanh, dễ thành dịch. Bệnh lây từ người sang người qua dịch tiết mũi họng, phân và cả dịch từ mụn nước…
Bệnh TCM biểu hiện chủ yếu là các mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong vòm miệng, có thể ở cả mông, đầu gối…Trẻ có thể sốt hay không sốt. phần lớn các trường hợp tiến triển lành tính và ổn định trong vòng khoảng 01 tuần. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh, cần cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người qua trung gian là muỗi. Muỗi truyền virus Dengue gây sốt xuất huyết chủ yếu là muỗi Aedes agypti, ngoài ra còn là Aedes Albopictus.
Muỗi Aedes đẻ trứng, sau đó trứng phát triển thành bọ gậy. Bọ gậy thường sống trong các dụng cụ chứa nước gia đình hay ở ngoài nhà như rãnh nước, ao hồ.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao liên tục 39-40 độ C. Kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Có thể có các chấm, nốt hay mảng xuất huyết dưới da. Các trường hợp nặng có thể có xuất huyết nội tạng, sốc…gây tử vong.
. Ngoài ra cần tránh bị muỗi đốt bằng cách nằm màn, sử dụng các hóa chất chống muỗi…
Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy cấp là bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em nhỏ có thể gây tử vong do tình trạng mất nước và mất muối, và là nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tiêu chảy cấp ở trẻ em xảy ra khi tiêu chảy phân lỏng trên 3 lần 1 ngày và kéo dài không quá 14 ngày.
Bệnh thường báo hiệu sớm bởi trẻ mệt mỏi, kém ăn, không chịu chơi, ngày hôm trước rồi đột ngột nôn trớ, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần trong ngày, nôn, mất nước.Kèm theo với tiêu chảy phân lỏng, trẻ có thể sốt, chướng bụng, tiêu chảy phân có nhầy, có máu, mót rặn đau quặn bụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn lỵ
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường do Rota virut, tụ cầu, thương hàn, tả, lỵ và nhiều vi khuẩn, ký sinh khuẩn khác có trong phân bị lây nhiễm vào thức ăn, nước uống, dụng cụ và bàn tay người chăm sóc trẻ.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
1, Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh rửa ráy cho trẻ.
2, Đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín.
3, Phân được xử lý an toàn.
4, Tiêm chủng phòng sởi, vacxin phòng tiêu chảy do Rota viruts.
Các bệnh ngoài da.
Mùa Đông – Xuân một số bệnh về da của trẻ cũng dễ xuất hiện, tái phát nhiều lần như bệnh viêm da, dị ứng… Đây là những căn bệnh gây khó chịu rất nhiều cho trẻ như gây ngứa ngáy, trẻ khó chịu hay quấy khóc và gãi chỗ ngứa làm chảy máu, rất dễ bị nhiễm trùng da.
Các bậc phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám bệnh.
Viêm mũi dị ứng
Mùa đông xuân, không khí lạnh ẩm gây ngứa mũi, hắt xì hơi, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi ở trẻ. Đặc biệt với trẻ có cơ địa dị ứng cần tránh đến những nơi trồng nhiều hoa. Khi trẻ hít phải phấn hoa, trước tiên cần sử dụng các loại nhỏ mủi từ nước muối vô khuẩn để làm sạch phấn hoa. Sau đó cần đến bác sỹ để được chỉ định dùng thuốc hợp lý.